Bài tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về luật phòng chống ma túy
Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà
nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh
phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn xã
hội, ma túy vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm
trọng, gây nhức nhối cho xã hội và trở thành nỗi lo của nhiều gia đình.
I. Ma
túy là gì? Các loại chất ma túy thường gặp?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng,
chống ma túy:
1. Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định
trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.
2. Chất
gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng
nghiện đối với người sử dụng.
3. Chất
hướng thần là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu
sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
Ma tuý là các chất gây nghiện, chất
hướng thần, có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, được quy định trong danh mục
do Chính phủ ban hành. Các chất này khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ làm thay
đổi trạng thái ý thức và sinh lý, có thể dẫn đến nghiện và từ đó gây tác hại về
nhiều mặt đối với xã hội. Ma túy thường được chiết xuất từ cây thuốc phiện (cây
anh túc), cây cần sa, cây cô ca và một số loại cây khác. Một số loại ma tuý
thường gặp như thuốc phiện, mooc phin, heroin, cần sa, ma tuý tổng hợp. Hiện
nay danh mục các chất ma túy được quy định tại Nghị định
số 57/2022/NĐ-CP 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền
chất.
Sử dụng ma túy sẽ gây tổn hại về sức
khỏe con người. Cụ thể, ma túy gây tổn hại về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ
tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, hệ thần kinh,
nghiện ma túy dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động.
Nghiện ma túy dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, suy nhược toàn
thân, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, cơ thể gầy
do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm
ngủ ngày, sức khỏe giảm sút. Người nghiện ma túy bị suy giảm sức lao động, hoặc
mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc, sử dụng ma túy quá liều có
thể dẫn đến bị chết đột ngột.
Bên cạnh đó các công trình nghiên cứu về
người nghiện ma túy đã khẳng định nghiện ma túy gây ra một loại bệnh tâm thần
đặc biệt. Người nghiện thường có hội chứng quên, hội chứng loạn thần kinh sớm
và hội chứng loạn thần kinh muộn. Ở trạng thái loạn thần kinh sớm, người nghiện
ma túy có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Không những người nghiện ma túy gây ra những tổn hại cho chính bản thân người
nghiện thì người nghiện ma túy còn gây những ảnh hưởng vô cùng to lớn cho gia
đình, xã hội và kinh tế của đất nước.
Ma tuý còn là nguyên nhân gây mất trật
tự an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự. Thực tế cho
thấy ma tuý là bạn đồng hành của tội phạm, mối quan hệ giữa ma túy và tội phạm
là mối quan hệ nhân quả. Ma tuý gắn liền với hành vi phạm tội, là nguồn bổ sung
tội phạm. Khi bị nghiện, những người nghiện sẵn sàng làm mọi việc miễn là có
tiền, có ma tuý, thậm chí giết người, cướp của. Ở trẻ em, các hành vi chưa mang
tính chất nghiêm trọng, nhưng cũng xuất hiện những mầm mống của tội phạm như
trộm cắp, cướp giật, lừa đảo…
Khi đã bị nghiện, người nghiện luôn có
xu hưởng tăng liều lượng dùng, chi phí về tiền ngày càng lớn, dẫn đến họ
bị suy kiệt về kinh tế. Sử dụng ma túy làm cho người nghiện thay đổi trạng
thái tâm lý, sa sút về tinh thần. Khi đã lệ thuộc vào ma túy thì nhu cầu cao
nhất đối với người nghiện là ma túy, họ dễ dàng bỏ qua những nhu cầu khác trong
cuộc sống đời thường. Hành vi, lối sống của họ bị sai lệch so với chuẩn mực đạo
đức của xã hội và luật pháp. Họ là những người bị tha hóa về nhân cách.
![Anh-tin-bai]()
II. Các
hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Phòng, chống ma túy
1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng
dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.
2. Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm,
kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân
phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái
nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng
thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất
hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền
chất.
3. Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất,
thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là
dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú
y có chứa chất ma túy, tiền chất.
4. Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu
giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho
phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy
định của pháp luật.
5. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép
chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa
chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.
6. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua
bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma
túy.
7. Chống lại hoặc cản trở việc xét
nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý
người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện
ma túy.
8. Trả thù hoặc cản trở người thực thi
nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề
nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
10. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử
dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.
11. Kỳ thị người sử dụng trái phép chất
ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác do
luật định liên quan đến ma túy.