I. Quy định việc khai thác
nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở
Chính
phủ ban hành Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày
23/8/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công
không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh
doanh nhà địa phương quản lý, khai thác, có hiệu lực thi hành từ ngày
15/10/2024.
Nghị định này quy định việc
quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài
sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ
chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục
đích: a) Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); b) Tạm quản lý trong thời
gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
II. Nghiêm cấm hành nghề công
tác xã hội để trục lợi
Chính
phủ ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP ngày
30/8/2024 về công tác xã hội; trong đó, quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm
trong công tác xã hội.
1- Cung cấp, công bố, tiết
lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý
của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá
nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2- Từ chối cung cấp dịch vụ
công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả
kháng theo quy định của pháp luật.
3- Lợi dụng việc cung cấp
dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
4- Lợi dụng hành nghề công
tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ
của tổ chức, cá nhân.
5- Thu các khoản chi phí,
lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức,
cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên
có thỏa thuận khác.
6- Lợi dụng hành nghề công
tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nghị định này có hiệu lực
từ ngày 15/10/2024.
III. Sửa đổi, bổ sung một số quy
định mới về quản lý, sử dụng tài sản công
Chính
phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày
26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử
dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.
Trong đó, Nghị định số
114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm tài sản
công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo quy định mới, thẩm
quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải
lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thẩm quyền quyết định mua
sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực
hiện như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan trung ương) quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản
công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ
quan trung ương.
- Hội đồng nhân dân cấp
tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của
cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
IV. Quy định đánh số nhà tại
khu vực đô thị, nông thôn
Bộ Xây dựng đã ban hành
Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây
dựng. Trong đó quy định rõ cách đánh số nhà tại khu vực đô thị, khu vực nông
thôn.
Theo Thông tư quy định,
đánh số nhà mặt đường, phố được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3..., n) với thứ
tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5,
7...), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8...).
Trường hợp một nhà có cửa
mở ra hai đường, phố khác nhau thì nhà đó được đánh số theo đường, phố có mặt
cắt ngang lớn hơn; nếu các đường, phố có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số
nhà theo đường, phố có cửa chính vào nhà hoặc đánh số theo đường, phố đã được
đánh số liên tục.
Chiều đánh số nhà mặt
đường, phố thực hiện theo quy định sau đây: Chiều đánh số nhà được thực hiện
theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ
Đông Nam sang Tây Bắc.
Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ 15/10/2024.
V. 15 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông người
có chức vụ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức
Bộ
Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 09/2024/TT-BTTTT ngày
30/8/2024 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền
hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh
nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh,
hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và
Truyền thông.
Theo Thông tư quy định, các
lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông mà người có
chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn không
được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác
xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý bao gồm:
1. Báo chí.
2. Xuất bản, in và phát hành.
3. Phát thanh, truyền hình.
4. Thông tin điện tử.
5. Thông tin đối ngoại.
6. Thông tin cơ sở.
7. Bưu chính.
8. Viễn thông.
9. Tần số vô tuyến điện.
10. Công nghiệp công nghệ
thông tin.
11. Ứng dụng công nghệ
thông tin, chuyển đổi số.
12. An toàn thông tin mạng.
13. Giao dịch điện tử.
14. Quản lý doanh nghiệp
nhà nước do Bộ TT&TT làm đại diện chủ sở hữu.
15. Chương trình, đề án, dự
án thuộc các lĩnh vực, nhiệm vụ được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8,
9,10, 11, 12, 13, 14 nêu trên do người thôi giữ chức vụ, quyền hạn khi đang là
cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê
duyệt.
Thông tư có hiệu lực thi
hành từ 15/10/2024.
VI. Hướng dẫn phương pháp chế
biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền
Ngày 6/9/2024 Bộ Y tế ban
hành Thông tư 14/2024/TT-BYT hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị
thuốc cổ truyền.
Thông tư đã hướng dẫn
phương pháp chung chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền gồm: phương pháp sơ
chế, phương pháp phức chế và phụ liệu chế biến.
Trong đó, phương pháp sơ
chế gồm: loại tạp, rửa, ngâm, ủ, thái phiến, cắt đoạn, phơi, sấy.
Phương pháp phức chế gồm:
sao qua, sao vàng, sao vàng cháy cạnh, sao vàng hạ thổ, sao đen, sao cháy,
chích rượu, chích gừng, chích muối, chích giấm, chích mật ong, sao cám, sao
cách gạo, sao cách bột văn cáp…
Bên cạnh đó, thông tư cũng
hướng dẫn phương pháp chế biến cụ thể của một số vị thuốc cổ truyền như: ba
kích chích muối, cỏ nhọ nồi thán sao, đại hoàng chích giấm, đảng sâm chích
gừng, đỗ trọng sao đen, hoàng liên chích gừng, hòe hoa sao vàng, mã tiền ngâm
rượu, thục địa, xuyên khung chích rượu, ý dĩ sao cám…
Thông tư trên có hiệu lực
từ ngày 28/10/2024.
VII. Trạm dừng nghỉ phải có nơi
sạc điện ô tô
Từ ngày 5/10/2024, Thông tư
09/2024/TT-BGTVT ngày 5/4/2024 của Bộ Giao thông vận tải về quy chuẩn kỹ thuật
trạm dừng nghỉ trên cao tốc chính thức có hiệu lực.
Thông tư quy định trạm dừng
nghỉ đường bộ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây
dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các
dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.
Hệ thống điện, nước, chiếu
sáng, thông tin liên lạc của trạm dừng nghỉ phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh,
tuân thủ theo các quy định để có thể cung cấp an toàn, liên tục, ổn định các
dịch vụ cho người, phương tiện giao thông. Hệ thống điện phục vụ cho các trụ,
thiết bị sạc điện cho xe ô tô điện phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh theo nhu
cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.
Diện
tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và
cho xe ô tô con là 25 m2. Có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ
xe. Có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25 m2.
Khu vệ sinh tại trạm dừng
nghỉ phải đảm bảo chống thấm, chống ẩm ướt, thoát mùi hôi thối, thông thoáng,
tường, mặt sàn và thiết bị phải luôn sạch sẽ. Số lượng, chất lượng các loại
thiết bị vệ sinh phải phù hợp với quy định của từng loại công trình.
( TƯ PHÁP- HỘ TỊCH)