Trong tháng 03/2025 có 02 Luật, 15 Nghị định,
05 Quyết định, 33 Thông tư, 01 Thông tư liên tịch chính thức có hiệu lực, sau
đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm
vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật
thiết đến đời sống của Nhân dân:
1. Luật Tổ chức Chính phủ của Quốc hội, số
63/2025/QH15
Theo đó, Điều 26 Luật Tổ chức Chính phủ 2025
đã quy định hình thức hoạt động của Chính phủ như sau:
- Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một
phiên; họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo quyết
định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất
một phần ba tổng số thành viên Chính phủ.
- Trong trường hợp Chính phủ không họp, Thủ
tướng Chính phủ quyết định gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng văn
bản.
- Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch
nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân
tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
- Đổi mới hình thức hoạt động của Chính phủ
gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả
và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/03/2025
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương
của Quốc hội, số 65/2025/QH15
Căn cứ theo Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền
địa phương 2025 quy định đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam gồm có:
(1) Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(cấp tỉnh);
(2) Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện);
(3) Xã, phường, thị trấn (cấp xã);
(4) Đơn vị hành chính - kinh tế đặc
biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp
huyện tại các đảo, quần đảo (gọi chung là hải đảo) có thể không tổ chức đơn vị
hành chính cấp xã.
Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn
vị hành chính như sau:
- Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành
chính quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền
địa phương 2025 là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân;
- Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm
chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã;
- Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính
quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn;
- Chính quyền địa phương tại đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt đó.
Về phân loại đơn vị hành chính, Luật Tổ chức
chính quyền địa phương 2025 quy định:
- Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để
hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy, chế
độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với
từng loại đơn vị hành chính.
- Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên
các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế
- xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô
thị, miền núi, vùng cao, hải đảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày
01/3/2025
3. Nghị định 36/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ
Cơ cấu tổ chức mới của Văn phòng Chính
phủ từ 01/3/2025
Theo đó, nội dung văn bản nêu rõ, Văn phòng
Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều
hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến
cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia;
kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho
công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật,
hậu cần cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ đã quy định về cơ cấu tổ chức mới
của Văn phòng Chính phủ như sau:
- Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ gồm
các đơn vị sau:
+ Vụ Tổng hợp.
+ Vụ Pháp luật.
+ Vụ Kinh tế tổng hợp.
+ Vụ Công nghiệp.
+ Vụ Nông nghiệp.
+ Vụ Khoa giáo - Văn xã.
+ Vụ Đổi mới doanh nghiệp.
+ Vụ Quan hệ quốc tế.
+ Vụ Nội chính.
+ Vụ Tổ chức công vụ.
+ Vụ Theo dõi công tác thanh tra (Vụ I).
+ Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn
thể.
+ Vụ Thư ký - Biên tập.
+ Vụ Hành chính.
+ Vụ Tổ chức cán bộ.
+ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.
+ Cục Quản trị - Tài vụ.
+ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Văn phòng
Chính phủ là các tổ chức hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Cổng Thông tin điện
tử Chính phủ được sử dụng con dấu hình Quốc huy. Vụ I có 03 phòng; Vụ Hành
chính có 04 phòng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực
thuộc Văn phòng Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ
ngày 01/3/2025
4. Nghị định 37/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào
tạo
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan
của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non,
giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường
xuyên; phát triển kỹ năng nghề; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân
tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Cụ thể, quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo
dục và Đào tạo giảm từ 23 xuống còn 18 đơn vị gồm:
(1) Vụ Giáo dục Mầm non;
(2) Vụ Giáo dục Phổ thông;
(3) Vụ Giáo dục Đại học;
(4) Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh;
(5) Vụ Học sinh, sinh viên;
(6) Vụ Pháp chế;
(7) Vụ Tổ chức cán bộ;
(8) Vụ Kế hoạch - Tài chính;
(9) Văn phòng;
(10) Thanh tra;
(11) Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
(12) Cục Quản lý chất lượng;
(13) Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin;
(14) Cục Hợp tác quốc tế;
(15) Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục
thường xuyên;
(16) Báo Giáo dục và Thời đại;
(17) Tạp chí Giáo dục;
(18) Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Các đơn vị quy định từ 1 đến 15 là các tổ
chức thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị
quy định từ 16 đến 18 là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản
lý nhà nước của bộ.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Vụ Giáo dục
thường xuyên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật
cho đến khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Giáo dục nghề nghiệp và
Giáo dục thường xuyên. Thời hạn hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2025.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày
01/3/2025
5. Nghị định 16/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2020/NĐ-CP ngày 30/06/2020 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng
lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ
Tăng mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự
vệ từ ngày 23/3
Ngày 04/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị
định 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2020/NĐ-CP
ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân
tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự
vệ. Theo đó, phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng,
mức hưởng như sau:
- Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy
quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ
chức: 561.600 đồng;
- Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban
Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân
sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn
trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân
quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ
động: 514.800 đồng;
- Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó
tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội
trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng,
Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;
- Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải
đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung
đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;
- Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm
100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân
tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội
trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được
hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;
- Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại
đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;
- Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân
thường trực: 280.800 đồng;
- Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội
trưởng: 234.000 đồng.
6. Quyết định 443/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc
công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 57/2024/TT-BYT
ngày 31/12/2024 của Bộ Y tế quy định việc phân cấp, giải quyết thủ tục hành
chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế
25 THC lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh được sửa
đổi bao gồm:
- Xem xét thừa nhận giấy phép hành nghề do cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
- Xếp cấp chuyên môn kỹ thuật;
- Đề nghị xác định kỹ thuật mới, phương pháp
mới;
- Cho phép thí điểm áp dụng kỹ thuật mới,
phương pháp mới;
- Cho phép áp dụng chính thức kỹ thuật mới,
phương pháp mới;
- Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh
giá, chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;…
Cơ quan thực hiện thủ tục Cho phép người nước
ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc
hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh sau khi sửa đổi bao
gồm:
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: người nước
ngoài chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc hợp tác đào
tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Nhà nước trực thuộc Bộ Y tế và các bộ khác, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
- Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền: nước ngoài
chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền hoặc
hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền tại
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trực thuộc Bộ Y tế và các bộ khác, trừ Bộ
Quốc phòng, Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng: người nước ngoài vào làm
việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Quốc phòng;
- Bộ Công an: người nước ngoài vào làm việc
tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Công an;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương: người nước ngoài vào làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc
Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tại địa bàn quản lý
Quyết định này có hiệu lực từ ngày
01/3/2025.
7. Thông tư 57/2024/TT-BYT của Bộ Y tế quy
định việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa
bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế
Theo đó, phân cấp giải quyết thủ tục hành
chính trong khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế cho Cục Quản lý Y, Dược
cổ truyền như sau:
- Cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy
phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp đối với người làm việc tại cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành
nghề từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành
nghề theo một trong các chức danh chuyên môn sau đây (Mã thủ tục hành chính:
1.012289; 1.012290; 1.012292; 1.012291):
+ Bác sỹ y học cổ truyền;
+ Bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa y
học cổ truyền;
+ Y sỹ y học cổ truyền.
- Thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa
bệnh y học cổ truyền do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp (Mã
thủ tục hành chính: 1.012277).
- Thu hồi giấy phép hành nghề khám chữa bệnh
y học cổ truyền đối với trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 35 Luật
Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Mã thủ tục hành chính: 1.012276).
- Cho phép tổ chức đoàn khám chữa bệnh nhân
đạo theo đợt, khám bệnh, chữa bệnh lưu động thuộc trường hợp quy định tại khoản
1 Điều 79 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 hoặc cá nhân khám bệnh, chữa bệnh nhân
đạo đối với các trường hợp sau (Mã thủ tục hành chính: 1.012257):
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện khám
bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền nhân đạo theo đợt hoặc lưu động tại 02 tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
+ Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y học cổ
truyền nhân đạo theo đợt, khám chữa bệnh lưu động tại cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành khác (không bao gồm các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
- Cho phép người nước ngoài vào Việt Nam
chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền hoặc
hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám chữa bệnh y học cổ truyền đối với
trường hợp người nước ngoài vào làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
trực thuộc Bộ Y tế (Mã thủ tục hành chính: 1.012258).
- Cho phép thực hiện thí điểm khám chữa bệnh
từ xa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền trực thuộc Bộ Y tế (Mã
thủ tục hành chính: 1.012261).
- Xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ
sở khám chữa bệnh y học cổ truyền trực thuộc Bộ Y tế (Mã thủ tục hành chính:
1.012262).
- Xác định kỹ thuật mới, phương pháp mới y
học cổ truyền (Mã thủ tục hành chính: 1.012263).
- Cho phép thực hiện thí điểm áp dụng kỹ
thuật mới, phương pháp mới (Mã thủ tục hành chính: 1.012285), cho phép áp dụng
chính thức kỹ thuật mới, phương pháp mới (Mã thủ tục hành chính: 1.012267) y
học cổ truyền.
- Cấp mới, cấp lại, bổ sung, sửa đổi giấy
chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá, chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh y học cổ truyền (Mã thủ tục hành chính 1.012282; 1.012284; 1.012283).
- Thừa nhận tiêu chuẩn quản lý chất lượng cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền (Mã thủ tục hành chính: 1.001203).
- Thành lập đoàn thẩm định cấp mới, cấp lại,
điều chỉnh giấy phép hoạt động, bao gồm cả việc trưng cầu các chuyên gia tham
gia đoàn thẩm định đối với các trường hợp sau:
+ Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền trực
thuộc Bộ Y tế;
+ Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân trong
giai đoạn chuyển tiếp từ 01 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 01 tháng 01 năm
2027.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2025
8. Thông tư 50/2024/TT-BYT của Bộ Y tế ban
hành Danh mục bệnh hiểm nghèo để các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân
phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm
nghèo
Từ ngày 01/3/2025, sẽ có tới 35 bệnh hiểm
nghèo được cá nhân kêu gọi đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân tại Thông tư
50/2024/TT-BYT. Cụ thể:
- Viêm màng não và viêm não màng não do
Listeria mức độ nặng
- Nhiễm khuẩn huyết mức độ nặng, phải sử dụng
kỹ thuật như lọc máu, tim phổi nhân tạo
- Bệnh bại liệt cấp có di chứng, không có khả
năng phục hồi
- Bệnh HIV dẫn đến bệnh nhiễm trùng và ký
sinh trùng/ gây u ác tính/ dẫn đến các bệnh xác định khác/ bệnh lý khác trong
đó, HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự
chăm sóc bản thân .
- U ác tính giai đoạn cuối
- Thiếu máu tan máu mắc phải có biến chứng
- Các thể suy tủy xương khác có biến chứng
- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn không
đáp ứng với điều trị thông thường…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2025
Tải về